Cần cách tiếp cận mới để làm tốt công tác DTTS và miền núi

Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tập trung ưu tiên nhiều nguồn lực cho khu vực đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt trong giai đoạn này, Việt Nam thực hiện đồng bộ ba Chương trình Mục tiêu quốc gia (CT MTQG) bao gồm: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Tuy nhiên để tạo được những đột phá, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước (NN) và các nguồn lực khác đòi hỏi phải cách tiếp cận mới so với giai đoạn trước. Liên quan đến nội dung này phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Việt Quân – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Thưa ông, sau đại dịch Covid-19 có một làn sóng lao động trẻ đã rời bỏ các khu công nghiệp, thành thị để trở về quê. Tuy nhiên với những vùng “lõi nghèo” như khu vực đồng bào DTTS và miền núi thì làm thế nào để lao động khi trở về đặc biệt là những thanh niên DTTS có thể gắn bó, mưu sinh ngay trên chính quê hương của mình?

Ông Hà Việt Quân: Như chúng ta đã biết, nhóm đối tượng lao động có việc làm ở các KCN, ở các khu vực đô thị là nhóm lao động có thu nhập ổn định nhất và cao nhất so với những lao động ở khu vực nông thôn và miền núi. Với thu nhập lợi thế như vậy thì đây chính là cái yếu tố giúp giảm nghèo nhanh nhất trong thời gian vừa qua. Thế nhưng khi mất việc làm và họ phải trở về quê hương thì bản thân khu vực nông thôn và miền núi hiện nay lại đang thiếu đi những việc làm có thu nhập cao và ổn định. Điều này thể hiện rõ nhất trong bối cảnh ở miền núi, hầu hết các việc làm  đều là giản đơn, việc làm nông nghiệp… đem lại thu nhập thấp hơn so với khi lao động làm ở khu công nghiệp… Mà với những việc làm ở lĩnh vực nông nghiệp nói chung thì đòi hỏi phải có sự đầu tư lâu dài, có thời gian canh tác nên chưa thể tạo ra thu nhập ngay được. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh kế và thu nhập của những lao động này.

Do đó, giải pháp chúng ta cần phải tập trung vào những điều thực tế. Bản thân khu vực miền núi và nông thôn vẫn tồn tại việc làm. Và việc làm bền vững chính là “bệ đỡ” cho các lao động trẻ giúp họ có thể gắn bó với với quê hương; đặc biệt hỗ trợ kịp thời cho những lao động trẻ khi rời bỏ khu vực thành thị, khu công nghiệp trở về quê hương do ảnh hưởng bởi dịch bệnh… Nói cách khác chúng ta phải có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn cho việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực du lịch hay những thế mạnh ở khu vực DTTS và miền núi để họ có thể tạo ra việc làm có giá trị cao hơn. Điều này đòi hỏi có sự tham gia tổng thể của các ngành, địa phương phối hợp với nhau trong thời gian tới.

Trên thực tế, nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, đất đai ở khu vực miền núi có hạn. Vậy theo ông thì làm thế nào để có thể gia tăng giá trị trong hoạt động sản xuất tại khu vực DTTS và miền núi, giúp cải thiện đời sống của đồng bào nơi đây?

Ông Hà Việt Quân: Thực ra chúng ta cứ nghĩ đến khu vực nông thôn và miền núi có nhiều đất đai. Nhưng thực ra với những người gắn với nông thôn và miền núi như chúng tôi thì cho rằng là quan điểm này không còn đúng nữa. Đất đai tính một cách cơ học thì có thể nhiều, nhưng đất đai có thể canh tác thì tương đối là hạn chế. Chưa tính đến điều kiện về mặt địa hình, khí hậu lại tương đối khắc nghiệt thì việc chúng ta phát huy lợi thế đất đai ở khu vực miền núi sẽ không còn nữa.

Do đó, chúng ta cần phải có những giải pháp chiến lược căn cơ hơn. Trong thời gian vừa qua, trong chiến lược phát triển khu vực DTTS và miền núi, Chính phủ và các bộ ngành đã tập trung xác định ra những cách làm khác so với giai đoạn trước. Tức là sản xuất nông nghiệp ở khu vực này không chỉ tập trung ở những sản phẩm mang tính chất đại chúng mà phải tập trung vào những sản phẩm mang tính chất đặc sản. Đặc biệt cần phải xây dựng các thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp ở khu vực nhằm tạo ra sự khác biệt, gia tăng giá trị cũng như phát huy được tính đa dạng của khu vực này. Đây là con đường để thoát nghèo hiệu quả cho bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thay vì quảng canh thì chúng ta đi vào chuyên canh cụ thể, thay vì tập trung sản xuất sản phẩm có số lượng lớn thì chúng ta tập trung vào các sản phẩm có giá trị riêng biệt. Điều này sẽ giúp đem lại thu nhập cao hơn cho bà con, đặc biệt là với các thanh niên trẻ vùng cao cũng có thể gắn bó lâu dài với quê hương nếu biết khai thác tốt thế mạnh, tiềm năng của địa phương.

 

Khai thác nguồn tài nguyên bản địa để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, góp phần cải thiện thu nhập của đồng bào DTTS và miền núi

Vậy theo ông thì cần có những giải pháp gì để thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất tại khu vực DTTS và miền núi, nhằm tạo ra nhiều việc làm tại chỗ cho thanh niên tại đây, thưa ông?

Ông Hà Việt Quân: Chúng ta cần phải hiểu rằng, doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc sẽ phát hiện, tìm kiếm các môi trường hoạt động để tạo ra lợi nhuận, tận dụng các hành lang pháp lý để giúp cho DN phát triển. Do đó, chúng ta phải nhìn từ góc độc DN để thu hút DN vào khu vực nông thôn và miền núi, đặc biệt tại những nơi lõi nghèo tập trung nhiều đồng bào DTTS và miền núi. Chúng ta thấy rằng là khi DN họ bỏ vốn vào đầu tư cho khu vực miền núi và DTTS thì họ sẽ phải đầu tư rất nhiều chi phí cho vận chuyển, chi phí trong việc tìm kiếm, đào tạo nhân lực chất lượng cao… Thế thì chúng ta phải cần có những chính sách để làm sao để phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực này tốt hơn, có những chính sách ưu đãi về thuế, vốn cho vay, hỗ trợ cho các DN các kinh phí đào tạo nhân lực. Với những hỗ trợ này thì vai trò của NN là hết sức quan trọng nhằm thu hút các DN về nông thôn và khu vực miền núi một cách hiệu quả. Bởi vì chúng ta biết rằng, nếu để người dân “tự bơi” thì hiệu quả của việc tự sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng, làm ăn có lãi và có thu nhập là rất khó… Mà mục tiêu của chúng ta phải có những sản phẩm phát triển và xuất khẩu tinh chứ không phải xuất khẩu các sản phẩm thô. Mà điều này người dân không thể một mình tự làm được nếu không có sự tham gia của DN…Do đó cần có sự hỗ trợ kịp thời thu hút các DN tham gia ở khu vực DTTS và miền núi.

Trong giai đoạn trước, chúng ta thiên về chính sách “cho không” rất nhiều. Tới đây các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi sẽ phải thay đổi như thế nào để phát huy được nội lực, ý chí vươn lên của họ, thưa ông?

Các chính sách hỗ trợ cần ưu tiên các đối tượng thanh niên DTTS và miền núi  có ý tưởng khởi nghiệp

Ông Hà Việt Quân: Thực ra, tôi đánh giá việc “cho không” và “cho vay” là câu chuyện không dễ dàng. Hiện có hai loại chính sách mà chúng ta cần phải phân biệt rất rõ. Thứ nhất, đó là nhóm chính sách an sinh dành cho đối tượng gặp nhiều rủi ro, biến cố trong xã hội thì chúng ta có những chính sách cho không là hoàn toàn thỏa đáng. Đây là những chính sách để giúp người ta có thể vượt qua những khó khăn tức thời. Hoặc là với những nhóm không còn có khả năng để vượt qua khó khăn nữa thì chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ lâu dài….Thứ hai, đó là nhóm chính sách thúc đẩy phát triển, tức là những chính sách tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho vay, định hướng hoặc có thể là cung cấp hỗ trợ nguồn vốn, huy động sự tham gia của các thành phần khác. Cả hai nhóm chính sách này đều nhằm mục tiêu hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, nhóm đối tượng vùng đồng bào DTTS và miền núi. Song cách tổ chức triển khai thực hiện sẽ khác nhau.

Đặc biệt, với nhóm chính sách phát triển chúng ta cần phải ưu tiên cho những người nghèo còn khả năng lao động,  những nhóm lao động trẻ, những thanh niên DTTS và miền núi có ý tưởng khởi nghiệp, có kế hoạch sản xuất kinh doanh rõ ràng… Điều này sẽ giúp nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, đúng nơi đúng đối tượng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông vì những chia sẻ vừa rồi!

P.V