Tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách dân tộc

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, dự án, chính sách được triển khai, diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh Bắc Giang có những thay đổi căn bản; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Liên quan đến hiệu quả của công tác triển khai chính sách dân tộc, trong đó chú trọng tới nâng cao đời sống vật chất tinh thần của thanh niên DTTS và miền núi, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vi Thanh Quyền – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang.

Xin ông cho biết trong thời gian qua, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được triển khai và thực hiện như thế nào?

Ông Vi Thanh Quyền – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang: Thực hiện Chương trình MTQG Phát triển Dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bắc Giang dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện 10 dự án, trong đó ngân sách Trung ương hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 214 tỷ đồng, còn lại là vốn chính sách, ngân sách huyện, xã và các nguồn vốn khác.

Trong đó các dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; quy hoach, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, phát triển du lịch….

Liên quan đến hỗ trợ xuất khẩu lao động, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và chi phí làm hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, làm thị thực, khám sức khỏe….

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh dành gần 141 tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua hoạt động đào tạo người lao động vùng DTTS và miền núi đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, đào tạo sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 3 tháng. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, chuyên đề tại các địa bàn vùng DTTS và miền núi đặc biệt tạo cơ hội việc làm cho những thanh niên DTTS trên địa bàn.

Có thể khẳng định việc triển khai đồng thời 3 Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, trong đó có riêng chương trình MTQG Phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua triển khai thực hiện từ năm 2021 đến nay thì tỉnh Bắc Giang đã luôn chủ động tham mưu triển khai thực hiện ở cơ sở. Cùng với đó, các cấp chính quyền cơ sở cũng đã nhận biết và thông tin đến cả người dân trong vùng để triển khai thực hiện. Đến nay bước đầu đã đạt được một số kết quả, một số công trình giao thông liên xã, thôn bản đã được cải thiện và một số nội dung hỗ trợ trực tiếp cho người dân về nhà ở, chuyển đổi nghề đã được triển khai… Qua đó, được người dân ủng hộ đồng tình rất là cao, giải quyết các vấn đề bức thiết nhất của người dân. Qua 2 năm triển khai, đối với 73 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi thì tỷ lệ hộ nghèo đã giảm được 2,35%; riêng có 28 xã đặc biệt khó khăn thì tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 5,1% so với năm 2021.

Bò giống được giao về đến địa phương bàn giao cho các hộ thụ hưởng trong chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025

Trong thực hiện công tác dân tộc, các cán bộ đảng viên là người DTTS có vai trò như thế nào thưa ông?

Ông Vi Thanh Quyền – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang: Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, vai trò của cán bộ đảng viên, đặc biệt là đối với cán bộ cơ sở thôn bản là các đảng viên luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện tất cả các nội dung của các dự án, các tiểu dự án thành phần chương trình MTQG Phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thì ngoài việc triển khai các chương trình MTQG nói chung, thì CTMTQG dân tộc thiểu số và miền núi có tác động rất lớn đến các mặt đời sống KT – XH của đồng bào. Ở đó các đảng viên là đồng bào DTTS và miền núi giữ vai trò chủ chốt như bí thư chi bộ, trưởng các đầu ngành đoàn thể của thôn luôn phát huy vai trò gương mẫu tiên phong đi đầu trong việc tuyên truyền vận động nhân dân triển khai các chính sách DTTS và miền núi của tỉnh.

Ông Vi Thanh Quyền – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực có đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Vậy trong chương trình MTQG Phát triển KT XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vấn đề này sẽ được quan tâm như thế nào thưa ông?

Ông Vi Thanh Quyền – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang: Đối với vùng DTTS, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với bình quân chung của tỉnh. Ngoài triển khai chương trình MTQG Phát triển KT XH vùng đồng bào DTTS và miền núi thì tỉnh Bắc Giang cũng có riêng đề án về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng DTTS và miền núi, thì ngoài thực hiện các chính sách về lao động việc làm thì thường xuyên phổ biến tập huấn các kỹ năng về lao động sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân tộc… Trong đó có nhiều nội dung như giải quyết việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ bà con, hỗ trợ thanh niên DTTS chuyển đổi nghề tại một số tiểu dự án…. Tuy nhiên do những rào cản về mặt nhận thức, nên sự vào cuộc của bà con vùng đồng bào chưa thực sự tích cực…. Phần lớn lao động trẻ thì đi làm ăn xa, đi làm tại các khu công nghiệp, trong khi lao động ở độ tuổi ngoài 40 thì họ lại rất ngại đi học nghề, để chuyển đổi nghề… Trước mắt chúng tôi cũng tuyên truyền để người dân hiểu được các lợi ích mà do chương trình mang lại để người dân tự nguyện đăng kí để chuyển đổi nghề, và các chính sách hỗ trợ để người dân có thể tiếp cận với cơ hội việc làm mới.

Trân trọng cảm ơn ông.

Sơn Nguyễn