Thanh niên DTTS cần gì để khởi nghiệp thành công

Hiện nay phong trào khởi nghiệp sáng tạo đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Thanh niên khởi nghiệp được khuyến khích, động viên trong đó thanh niên dân tộc thiểu số là một trong những đối tượng được dành nhiều sự trợ giúp và thúc đẩy thời gian qua. Vậy thanh niên DTTS khởi nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS họ cần gì và đang được trợ giúp những gì?

Những khó khăn khi khởi nghiệp mô hình du lịch homestay của thanh niên dân tộc:

Anh Tráng A Chu – Huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La: Khi làm homestay vô vàn khó khăn nhất là cách thức, quy trình xây dựng ra sao, chúng tôi hoàn toàn không biết, việc thiết kế kiến trúc phục dựng lại nếp nhà xưa cũ cũng khó khăn, chồng chéo lên nhà hàng xóm. Tôi rất lúng túng và mong rằng được hỗ trợ.

Homestay của anh Tráng A Chu, Sơn La

Bạn Giàng A Dũng – Thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai: Mô hình của tôi là mô hình du lịch homestay kết hợp trồng trọt chăn nuôi với mục đích là liên kết với các đoàn viên thanh niên đang không có việc làm và mong muốn giữ gìn bản sắc của dân tộc H’Mông đen để gắn kết với các bạn mình mong muốn phát triển mô hình đó nhưng khó khăn của tôi là việc tái hiện lại nhà của đồng bào H’Mông. Tôi mong muốn thông qua các lớp tập huấn sẽ có được kiến thức về thiết kế, kiến trúc để đưa sản phẩm của mô hình tới với thị trường và làm thế nào để marketing giúp mô hình của tôi phát triển tốt hơn.

Chia sẻ với những ý tưởng, những sự khó khăn của thanh niên DTTS khi khởi nghiệp, đã có rất nhiều chương trình, dự án đồng hành của các tổ chức để hỗ trợ các bạn có thể thành công:

Ông Nguyễn Đức Tùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA): Các bạn thanh niên người dân tộc thiểu số hiện nay rất mạnh dạn, các bạn rất giàu ý tưởng để khởi nghiệp. Tuy nhiên khi chọn được ý tưởng rồi ai sẽ là người đồng hành với mình để biến ý tưởng đó thành một dự án hoàn hảo? Chúng tôi cũng phối hợp với các bộ ngành để triển khai những chương trình đào tạo và thiết thực với thanh niên khởi nghiệp trong đó có những thanh niên DTTS. Tôi nghĩ kiến thức và kỹ năng là điều hết sức cần thiết để những thanh niên người dân tộc rời bản làng, đem những tài nguyên bản địa, những tinh hoa của dân tộc mình quảng bá tới du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi kỳ vọng rằng những mô hình khác biệt của các bạn sẽ đem lại những luồng gió mới cho phong trào khởi nghiệp trong thanh niên. Chúng tôi cũng luôn tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới và đào tạo cung cấp thông tin cho cộng đồng khởi nghiệp để mang đến cơ hội cho các bạn và trau dồi cho các bạn ý chí khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Tùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA)

Anh Vũ Minh Thảo, Phó Trưởng Ban TNNT Trung ương Đoàn trao đổi với PV

 

Anh Vũ Minh Thảo – Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Trưởng Ban thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn: Năm 2023 là năm thứ 6 Trung ương Đoàn tổ chức cuộc thi Dự án thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Chúng tôi đã nhận được hàng trăm ý tưởng xuất sắc từ mọi miền Tổ quốc của các bạn thanh niên nông thôn, trong số đó có không ít thanh niên DTTS ở vùng sâu vùng xa. Nhằn để cung cấp kiến thức, hỗ trợ kết nối chuyên gia cũng như đào tạo huấn luyện các bạn bài bản hơn trong việc lập các mô hình dự án trên cơ sở đó xây dựng các phương thức truyền thông quảng bá để sau khi các sản phẩm ra thị trường thì làm sao để khảo sát đánh giá nhu cầu tiêu dùng từ đó các thanh niên nông thôn, thanh niên DTTS có thể quay vòng với các sản phẩm của mình. Trong bối cảnh hiện nay, việc khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm nay và thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn ở khắp mọi miền để trên cơ sở đó các bạn thanh niên khởi nghiệp trên cơ sở phát huy tài nguyên bản địa, sản vật của địa phương để các bạn có thể thành công hơn./.

Mai Anh