Làm giàu từ quê hương

Với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, nhiều thanh niên đã mạnh dạn xây dựng các mô hình HTX khởi nghiệp để vươn lên làm giàu, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. 

Vượt khó làm kinh tế giỏi

Tại huyện biên giới Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), anh Huỳnh Ngọc Hội (33 tuổi, trú tại xã Ea Bar) đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi ốc nhồi, bình quân mỗi tháng doanh thu hàng chục triệu đồng.

Khởi nghiệp với khoảng 20.000 con ốc nhồi giống, đến nay anh Hội đã mở rộng diện tích ốc lên gần 2.000 m2 với khoảng 15.000 con ốc bố mẹ để sinh sản, 20.000 con ốc thương phẩm và 50.000 con ốc giống nuôi thương phẩm. Theo chia sẻ của anh Hội, trước khi “bén duyên” với ốc nhồi, anh cũng đã từng thử sức nuôi cua đồng, tuy nhiên chi phí nuôi cua đồng khá tốn kém, đầu ra không ổn định, hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu, anh thấy ốc nhồi có nhiều giá trị dinh dưỡng, nhu cầu tiêu thụ ổn định, đồng thời giá thị trường cao nên anh quyết định chuyển sang nuôi ốc nhồi. 

Hiện khu vực ao nuôi của anh Hội có tổng diện tích 2.000 m2 với mật độ thả nuôi 200 con/m2, mỗi mùa vụ kéo dài khoảng 4-5 tháng tùy theo thời tiết. Ốc nhồi thương phẩm đạt kích cỡ khoảng 30 con/1 kg thì anh Hội bắt đầu thu hoạch và được các thương lái, nhà hàng đến tận nơi thu mua với giá khoảng 75.000 đồng/kg, mỗi tháng đem lại lợi nhuận khoảng 40.000.000 đồng.

Mô hình nuôi ốc nhồi của anh Huỳnh Ngọc Hội tại huyện biên giới Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk)

Mô hình nuôi ốc nhồi của anh Hội là một mô hình khởi nghiệp mới của thanh niên địa phương Buôn Đôn. Với ưu thế chi phí thấp, dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với các bạn thanh niên mới khởi nghiệp có vốn thấp. Đến nay anh Hội đã giúp đỡ nhiều thanh niên trên địa bàn cả giống và kỹ thuật nuôi ốc, tạo hiệu ứng tốt trong phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện Buôn Đôn.

Từ tình yêu sắc màu thổ cẩm quê hương, chị Sùng Thị Lan  – cô gái người Mông đến từ xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai lại có một hướng khởi nghiệp khác trên chính quê hương mình. Không qua bất cứ trường lớp nào, chị Lan tự tìm tòi, nghiên cứu cách nhuộm vải bằng màu thiên nhiên từ chàm, củ nâu, củ nghệ, lá rừng…, mong muốn vực dậy nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Nhiều lần thất bại, chị làm hỏng rất nhiều vải lanh, vải bông, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Qua 8 năm thử thách, cô gái người Mông đã thành công với ước mơ của chính mình. Hiện chị đã thành lập ra HTX Mường Hoa dưới sự hỗ trợ của đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. 

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai tham quan mô hình HTX Mường Hoa với các sản phẩm làm từ thổ cẩm

Khi đã làm chủ kỹ thuật nhuộm vải, dệt vải, nữ giám đốc hợp tác xã lại có ý tưởng “tái chế thổ cẩm” với mong muốn giảm gánh nặng môi trường, giảm giá thành mặt hàng thủ công. Sau khi mua lại sản phẩm thổ cẩm cũ từ người dân địa phương, hợp tác xã Mường Hoa tiến hành nhuộm lại màu, may mới thành vỏ gối, lọ hoa, khăn trải bàn, đồ trang trí,… Ngoài ra, chị Lan cũng tận dụng vật liệu dư thừa trong công đoạn nhuộm vải để sản xuất hương sạch.

Các sản phẩm làm từ thổ cẩm của HTX Mường Hoa

Thời gian tới, Tỉnh đoàn Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình thanh niên khởi nghiệp, tiến tới đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về khởi nghiệp, hình thành trong mỗi đoàn viên thanh niên ý thức và cách thức khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường kết nối các cơ sở đoàn với các nguồn vốn, quỹ đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế của những người trẻ. Phó Bí thư Tỉnh đoàn nhấn mạnh.

Có thể nói, họ là những người trẻ, từ nhiều miền quê khác nhau. Họ cũng khác nhau về công việc, sở trường. Nhưng, họ giống nhau ở khát vọng. Bằng trí tuệ, niềm đam mê và sự nỗ lực những người trẻ ấy đã góp phần làm thay đổi cuộc sống…

Tuổi trẻ khởi nghiệp: tháo gỡ nút thắt?

Thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp, giới thiệu việc làm tạo thu nhập cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt là thanh niên người dân tộc thiểu số đã được nhiều địa phương chú trọng, trong đó phát huy thế mạnh là các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm OCOP; các mô hình khởi nghiệp trên lĩnh vực du lịch gắn với quảng bá, giới thiệu các nét văn hóa độc đáo, bản sắc… bước đầu đã cho những thành công nhất định. 

Từ thực tế cho thấy, thiếu vốn chỉ là một trong những rào cản để phát triển các mô hình khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi hiện nay. Điều quan trọng chính là sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự chung tay của cộng đồng thì vấn đề vốn không phải là không giải quyết được.

Hiện nay, để khởi nghiệp, thanh niên DTTS có thể tiếp cận được nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mới đây nhất là các văn bản như: Nghị định 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã có “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” để giải quyết bài toán vốn; bên cạnh đó là các chính sách tín dụng hiện hành cũng là một “kênh” để thanh niên DTTS tiếp cận vốn khởi nghiệp. Đặc biệt trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, đã có rất nhiều các tiểu dự án nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS, đối tượng thanh niên khởi nghiệp như: dự án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch./.

Đức Nguyễn