Rời bản học nghề, thắp sáng tương lai

Rời bản làng để học nghề, tìm việc làm ổn định chính là mục tiêu hướng đến của nhiều con em đồng bào dân tộc. Đây là bước đệm để lao động vùng cao nâng cao trình độ, ổn định cuộc sống. Trong thời gian qua, tại nhiều địa phương đã có những chính sách để thu hút các em học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số học nghề, lập thân, khởi nghiệp.

Đào tạo nghề cho thanh niên DTTS: Bước chuyển mình mạnh mẽ

Trường Cao đẳng Lào Cai là trường học nghề duy nhất của tỉnh. Hằng năm, trường đào tạo số lượng lớn nhân lực cho tỉnh Lào Cai và các tỉnh bạn trong khu vực Tây Bắc.

Học sinh của trường có số lượng là con em của các hộ gia đình ở các huyện vùng cao, điều kiện còn hết sức khó khăn. Do vậy, hàng năm, Trường Cao đẳng Lào Cai đều tổ chức các chuyến xe về tận các huyện, thị xã như: : Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Bảo Yên, Mường Khương…. Để đưa các em đến trường nhập học.

Một điểm đón học sinh vùng cao về Trường Cao đẳng Lào Cai học nghề.

Em Phùng Thị Thơm đến từ huyện Văn Bàn – sinh viên năm nhất của trường tâm sự: “Chế độ chính sách của trường rất tốt đã giúp hỗ trợ được phần lớn cho việc học tập cho em. Nhận thấy ngành Quản trị khách sạn đang là ngành “hot” của tỉnh Lào Cai, em đã chọn học ngành này. Em tin rằng mình có nhiều cơ hội việc làm. Sau khi ra trường, em hi vọng làm việc đúng chuyên ngành và cống hiến cho ngành du lịch địa phương”.

Ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Rất nhiều các chính sách trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích sản xuất phát triển. Tuy nhiên theo ông đánh giá, xóa đói giảm nghèo tốt nhất bền vững nhất là đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn. Đây là con đường bền vững nhất.

Và thực tế đã chứng minh có những xã đã thoát nghèo, làm giàu được bởi vì ở khu vực đó có một nhà máy. Người lao động được đào tạo ở trường nghề rồi ra làm việc tại đó. Đây không chỉ là giải pháp xóa đói giảm nghèo mà còn giúp tăng cường công tác đảm bảo an ninh nông thôn. Cứ địa phương nào có nhiều người được đi đào tạo nghề, làm việc tại các doanh nghiệp, có nguồn thu nhập mang về thì an ninh của nơi đó được tốt hơn và xóa đói giảm nghèo được bền vững”, ông Đạt chia sẻ.

Gắn kết đào tạo nghề với tạo việc làm trong giảm nghèo bền vững

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu năm 2022, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng – dự án số 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” – với những mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể.

Nội dung này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, đồng thời, cùng với nâng cao kỹ năng, năng lực cạnh tranh… sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của các vùng, các địa phương và các đối tượng ưu tiên. Chẳng hạn, nếu có chính sách tốt, hỗ trợ người nghèo từ tư vấn hướng nghiệp, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm, sẽ góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên,Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

Hiện nay, trong tổng số thanh niên, số lao động thanh niên được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ còn thấp (chỉ chiếm khoảng 20- 21%), chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đất nước. Vì vậy, đào tạo nghề cho thanh niên, đặc biệt các thanh niên ở vùng sâu vùng xa, thanh niên vùng đồng bào DTTS có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập hiện nay.

Qua khảo sát ở các vùng nông thôn, các huyện nghèo, đã có nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, vừa là việc làm tại chỗ, vừa là việc làm chuyển dịch cho các lao động trẻ, đặc biệt là các thanh niên vùng cao thoát nghèo bền vững.

P.V