Du lịch cộng đồng, hướng đi của nhiều người trẻ vùng cao

Hiện nay xu hướng trải nghiệm du lịch cộng đồng tại các bản, làng người dân tộc thiểu số đang được nhiều khách du lịch quan tâm. Cùng với đó là tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của nhiều thanh niên địa phương đã tạo nên những mô hình du lịch độc đáo mang đậm bản sắc góp phần thúc đẩy kinh tế và quảng bá văn hóa dân tộc.Nhiều thanh niên ở vùng cao, thanh niên dân tộc thiểu số đã lựa chọn gây dựng sự nghiệp ngay tại quê hương, tạo sinh kế cho bản thân và từng bước xóa đói nghèo cho gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, để thành công, các địa phương cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích để hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa

1 homestay ở sâu trong bản của người Mông tại Thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai, cách khu trung tâm du lịch Sapa 40 km, mô hình của chàng thanh niên Vừ A Vàng vẫn thu hút không ít du khách, nhất là những người đam mê khám phá. anh Trần Ngọc Tú – một du khách Hà Nội rất thích thú khi được hòa mình với thiên nhiên, rừng núi. Hơn thế, anh còn được trải nghiệm sinh hoạt và tìm hiểu cuộc sống của người Mông bản địa. “Rất vui khi được trải nghiệm mô hình homestay của 1 anh thanh niên người daant ộc. Tuy đường xá vất vả mình trải qua cung đường ngoằn nghèo nhưng khi đến đây mình được hòa mình cuộc sống thiện nhiên và trỉa nghiệm những điều gần gũi với cuộc sống dân tộc người bản địa ở đây” – Anh Tú chia sẻ. 

Du khách thích thú khi được sinh hoạt cùng đồng bào người Mông tại khu homestay của anh Vừ A Vàng

Sau gần 4 năm làm hướng dẫn viên, dẫn khách tham quan, trải nghiệm các loại hình du lịch trên địa bàn cũng như vùng lân cận, Giàng A Súa (29 tuổi), Yên Bái đã tích lũy và học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Với khát khao tạo dựng sự nghiệp tại quê hương để xóa đói nghèo cho gia đình và người thân, năm 2021, A Súa đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng bản Màng Mủ, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, quảng bá bản sắc, văn hóa các dân tộc đến du khách gần xa và cho du khách trải nghiệm các phong tục, tập quán của cộng đồng địa phương.

Đi vào hoạt động với số vốn ít ỏi, song Hợp tác xã đã thu hút được 9 thành viên, đều là thanh niên sàn sàn tuổi A Súa, tham gia làm hướng dẫn viên du lịch. Để hợp tác xã thực sự trở thành địa chỉ cho du khách khi đến Mù Cang Chải, A Súa đã nghiên cứu, phối hợp tổ chức các tour, tuyến đến những địa danh đẹp của huyện; sưu tầm, cải tạo, khôi phục các vật dụng truyền thống của đồng bào bị mai một như: Vòng quay sợi lanh; bàn là đá, cối xay, nhà ngô… trưng bày phục vụ khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống để tăng thêm trải nghiệm, giữ chân du khách; bán các mặt hàng thổ cẩm, sản phẩm OCOP của địa phương như mật ong…

Sinh ra và lớn lên tại thôn Quang Vinh, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), chàng thanh niên dân tộc Dao đỏ Triệu Tà Pú (sinh năm 1991) luôn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp với khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau gần 1 năm thực hiện các công đoạn xây dựng, tháng 9.2019, homestay của anh chính thức hoạt động, đón những vị khách đầu tiên. Những tín hiệu vui ban đầu đã tiếp thêm sức mạnh cho anh Pú trong hướng đi phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa tốt đẹp.

Homestay của Triệu Tà Pú với những nét mộc mạc 

Từ năm 2016, mô hình du lịch cộng đồng đã được phát triển tại bản Na, xã Yên Khê, huyện Con Cuông. Đây được xem là một trong những mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở Nghệ An được duy trì đến nay. Chị Vi Thị Thành, chủ homestay Nhưỡng Thành là một thanh niên trẻ người dân tộc Thái  cho biết, từ khi được chọn để làm homestay, chị đã cải tạo lại toàn bộ khuôn viên, nơi ở cho du khách và cảnh quan của ngôi nhà. Những năm qua, chị đã đón hàng nghìn lượt khách, tập trung nhiều nhất vào những dịp cao điểm như 30/4, 2/9…

 

Địa bàn huyện Con Cuông hiện có 4 điểm làm du lịch cộng đồng đang đi vào hoạt động, là: bản Khe Rạn (xã Bồng Khê); bản Nưa, bản Pha (xã Yên Khê) và bản Xiềng (xã Môn Sơn). Nhờ đó, người dân địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Trước đó, từ năm 2016, chuyên gia của dự án JICA (Nhật Bản) – Dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào các làng nông, lâm, ngư nghiệp đã hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng và thành lập các tổ dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, các chuyên gia của dự án JICA đã nghiên cứu thiết kế và giúp người dân làm mẫu giỏ đựng cam cho khách du lịch với chất liệu sẵn có của địa phương (mây, tre, nứa…), thân thiện môi trường và mang nét đặc trưng của dân tộc Thái; hỗ trợ thiết kế logo, nhãn mác, bao bì, đăng ký mã vạch, đăng kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong 4 điểm du lịch cộng đồng của Con Cuông, hai điểm (bản Nưa, xã Yên Khê và bản Khe Rạn, xã Bồng Khê) được Hội đồng và Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Từ khi thành lập đến nay, du lịch cộng đồng đã đón 49.178 lượt khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực của dân tộc Thái. Tổng thu từ loại hình du lịch này là hơn 7 tỷ đồng.

 

 * Cần chính sách hỗ trợ

 

Thực tế cho thấy, các điểm du lịch cộng đồng ở nhiều nơi vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ trong khuôn viên hộ gia đình; chưa có sự liên kết, kết nối thành một quần thể du lịch như ở nhiều mô hình khác. Du khách đến với loại hình này chủ yếu chỉ dừng ở ăn uống, ngủ nghỉ và chưa có nhiều trải nghiệm hấp dẫn để có thể lưu trú lâu dài.

Ông Trần Công Hiền, Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Con Cuông trăn trở, từ tiềm năng sẵn có, địa phương mong muốn tỉnh cần ban hành cơ chế chính sách, các chương trình, đề án, dự án về đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cần hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng người dân làm du lịch như: mở các lớp chuyên đề tìm hiểu, giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường; lớp tập huấn nâng cao nhận thức về tài nguyên, môi trường du lịch cho cộng đồng tại các khu, điểm du lịch cộng đồng và hỗ trợ công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá giới thiệu sản phẩm, quan tâm xây dựng các tour, tuyến để đưa khách về khám phá du lịch Con Cuông.

Theo các chuyên gia du lịch, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, chính sách phát triển du lịch cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn, các chính sách liên quan đến bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực… Cùng với đó, địa phương cần đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông; hỗ trợ về đào tạo, phát triển dịch vụ; khôi phục và phát triển nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho phát triển du lịch cộng đồng.

Mỹ Hạnh