Hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Chặng đường gieo con chữ ở vùng cao gặp nhiều khó khăn vất vả, gian nan nhưng với tình yêu nghề và mong muốn một tương lai tươi sáng hơn cho các em nhỏ vùng cao đã thôi thúc nhiều giáo viên, cán bộ ngành giáo dục vượt lên tất cả. Vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) có điều kiện kinh tế – xã hội chậm phát triển, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí thấp. Do đặc điểm này mà vùng DTTS, MN được xem là một đối tượng đặc thù được xác định trong Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, hạng mục này nhằm thực hiện đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vân Hồ là một trong 5 huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, có 33 đơn vị trường học, 170 điểm trường lẻ, giao thông đi lại khó khăn, 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong điều kiện nguồn lực của nhà nước còn nhiều khó khăn, rất cần sự chung tay của cộng đồng, kết nối nguồn lực, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng và xã hội để hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Bao gồm cả sức khỏe học đường và nâng cao thể chất cho học sinh, góp phần thực hiện thành công chương trình đổi mới giáo dục. Chia sẻ về điều này Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Thực hiện NQ 29 của Đảng về đổi mới toàn diện GD thì những nơi vùng sâu vùng xa như thế này, điều kiện CSVC rất khó khăn, các thầy cô cũng cần được trang bị kiến thức tối thiểu để bảo vệ các em, các em cũng tự biết bảo vệ bản thân, môi trường học đường cũng có những ứng xử VH, các thư viện thân thiện. Bộ GD sẽ phối hợp sâu với các tỉnh, sẽ chọn mỗi tỉnh 1 huyện, mỗi huyện chọn 10 trường mầm non, 5 tiểu học và 5 THCS làm điểm, và địa phương sẽ nhân rộng mô hình này. Ngân sách NN rất có hạn nên phải kết nối nguồn lực để các DN, đơn vị đồng hành cùng các cơ sở GD, để đầu tư, đột phá về chuyện đổi số, sự quản lý của thầy cô với hs sẽ linh hoạt và thông qua công nghệ…”
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát thực tế tại điểm trường tiểu học Hua Tạt, huyện Vân Hồ. Tại đây có 3 lớp học với gần 100 học sinh dân tộc Mông. Trên cơ sở khảo sát thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà tài trợ sẽ nghiên cứu các phương thức triển khai chương trình “Điều ước cho em” tại các điểm trường ở Sơn La. Theo Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La: “Chương trình điều ước cho em kết nối các nguồn lực xã hội rất có ý nghĩa, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa nguồn lực để phát triển giáo dục. Đóng góp thiết thực, hiệu quả cho việc xây dựng cơ sở vật chất các trường học, nhất là các tỉnh miền núi”
Điểm trường vùng cao Sơn La
Trong thời gian qua, các địa phương trong cả nước đã tổ chức rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương và có lộ trình hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh.
Cơ sở giáo dục các cấp học ở vùng DTTS, miền núi ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có lớp mầm non; Tất cả các xã đều có trường tiểu học hoàn chỉnh ở khu vực trung tâm xã. Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông ở miền núi, vùng DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao; học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm; Tỷ lệ học sinh hoàn thành và tốt nghiệp các cấp học tăng.
Bằng các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương, nhiều cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi đã được xây dựng khang trang, trang thiết bị tương đối đầy đủ. Tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố ngày càng tăng, góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục. Diện mạo cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được thay đổi.
Hình ảnh cô Vũ Thị Ý, đến với những bản nghèo, vận động học sinh đến trường, thăm hỏi và động viên các em học sinh của mình nhưng khi ốm đau, đã trở nên quen thuộc với đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Xín Cái.
Khi mới vào dạy ở xã biên giới Xín Cái, sáng sáng cô Ý thường lên lớp sớm, do các em tuổi còn nhỏ không thích đi học, nhiều hôm phải gọi các em đến trường, gọi được em này thì em kia bỏ về, nhiều lúc bất lực và tủi thân.
Cô giáo Vũ Thị Ý, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Xín Cái, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Công tác vận động học sinh vất lắm. Ở vùng cao hầu như các em học sinh không muốn đi học, mà bố mẹ thì lại không quan tâm đến việc học của con em, chỉ muốn con ở nhà để giúp bố mẹ bế em, làm việc nhà, chăm lợn chăn bò, các em đến trường không đầy đủ đâu”.
Lớp học tại vùng cao Mèo Vạc
Hơn 30 năm công tác tại huyện vùng cao Mèo Vạc, hơn 11 năm cô Ý gắn bó với xã biên giới Xín Cái. Việc dạy học tại một trường ở khu vực biên giới có muôn vàn khó khăn, lực học của các em học sinh không đồng đều, song cô Ý luôn kiên trì, tìm tòi phương pháp mới phù hợp hiệu quả, sau đó chia sẻ cho đồng nghiệp vận dụng để học sinh tiếp thu bài nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Thầy giáo Đỗ Phi Long, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho hay “Cô Ý là tổ trưởng tổ chuyên môn, rất tâm huyết, trách nhiệm, chuyên môn rất giỏi. Cô có nhiều sáng kiến trong phương pháp dạy, luôn chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp, sống thân thiện, chấp hành tốt quy định nghề nghiệp, hàng năm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, phương pháp dạy được áp dụng vào thực tiến. Với những cống hiến thầm lặng vì sự nghiệp “trồng người” của mình, năm 2021 cô Vũ Thị Ý đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú. Những cống hiến của cô không những được Đảng, Nhà nước ghi nhận, mà sự thành đạt của lớp lớp các em học sinh đã được các cô đào tạo, nay đã trưởng thành những công dân tốt, một số đang giữ cương vị quan trọng trong các cơ quan, ban, ngành của địa địa phương. Phần thưởng cao quý này như một món quà lớn dành tặng vì những đóng góp của cô cho sự nghiệp giáo dục.
Ngoài ra, cơ sở vật chất tại nhiều điểm bản còn nghèo nàn, chỉ có 4 phòng học kiên cố, nhà trường đã dựng thêm
Hiện nay nhiều trường học trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đang rơi vào hoàn cảnh thiếu giáo viên, đặc biệt là cấp học mầm non. Nhiều điểm trường tổng số học sinh trên lớp rất đông, trung bình mỗi giáo viên mầm non phải đứng lớp 25 đến 30 học sinh, cá biệt có lớp lên đến 35 học sinh.
Cô Nguyễn Thị Kim Liên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Điện Biên Đông, Điện Biên cho biết: “Hiện tại tổng số giáo viên của nhà trường là 19 giáo viên, tuy nhiên theo định mức của thông tư 06 năm 2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, hiện nhà trường vẫn còn thiếu 11 giáo viên. Đối với những lớp có 1 giáo viên trên lớp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các lớp nhóm trẻ và lớp mẫu giáo bé 3-4 tuổi, khả năng tự phục vụ của các em còn hạn chế, các cô giáo rất vất vả”
Theo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, hiện nay toàn huyện vẫn còn 15% phòng học bán kiên cố, phòng tạm; một số trường học còn thiếu phòng ở nội trú, các công trình phụ trợ. Đây cũng là một trong những địa phương thiếu số lượng giáo viên nhiều nhất trong toàn tỉnh. Hiện toàn huyện còn thiếu trên 200 giáo viên cấp học mầm non. Bên cạnh đó, giáo viên chuyên ngành tiếng Anh cũng đang thiếu do thiếu nguồn tuyển khiến công tác dạy học gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Thắng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông, Điện Biên cho hay: “Điện Biên Đông còn khoảng 10-15% lớp làm bằng tôn và bọc tôn xung quanh lớp nên cũng rất ảnh hưởng đến việc dạy và học của học sinh. Để đáp ứng cơ sở vật chất, Phòng Giáo dục Điện Biên Đông cũng đã chủ trương xóa hết phòng học bán kiên cố, trước hết ưu tiêu cho các điểm bản, đặc biệt là cấp học mầm non”
Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường PTDTNT
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở vùng DTTS miền núi ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn của các tỉnh miền núi tương đương tỷ lệ chung của cả nước. Về cơ bản, đội ngũ này đang ngày càng đáp ứng được nhu cầu giảng dạy theo yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Nhiều giáo viên ở các tỉnh miền núi công tác tại các trường chuyên biệt có giáo viên đạt trình độ trên chuẩn như trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, PTDTNT Nghệ An, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Tại chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cũng chú trọng đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với những chính sách đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục dân tộc, hàng năm, thành tích của học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu của cả nước tăng hơn các năm trước cả về số lượng và chất lượng. Điều này khẳng định, chất lượng giáo dục vùng DTTS đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng đào tạo./.
Đức Nguyễn