Hỗ trợ sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng thanh niên trong độ tuổi lao động. Đây cũng là “chìa khóa” để các địa phương mở những nút thắt lâu nay trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Trong công tác hỗ trợ thanh niên lập nghiệp đã xuất hiện rất nhiều một mô hình hay, thể hiện sự sáng tạo, linh hoạt tại mỗi địa phương.

Là thanh niên người dân tộc Cơ Tu thuộc diện khó khăn, hè năm ngoái, anh Trần Quốc Tuấn được thành đoàn Đà Nẵng tặng 2 con heo giống và hướng dẫn cách chăn nuôi  . Đến nay, nhờ được chăm sóc đúng cách, từ số heo này, anh Tuấn đã gây dựng được đàn heo, mang lại nguồn thu cho gia đình. 

Anh Trần Quốc Tuấn chia sẻ: Từ khi cặp giống heo này đẻ và cho tui nguồn vốn thêm trong cuộc sống, giờ được thêm 10 con heo nhỏ nữa thì tôi thấy tràn đầy hy vọng

Từ năm 2020, đến nay, thành đoàn Đà Nẵng đã thường xuyên tổ chức các chương trình trao sinh kế từ cây giống, vật nuôi đến tập huấn hỗ trợ cho thanh niên Cơ Tu của huyện Hòa Vang. Các đoàn viên, thanh niên tại đây sau khi nhận được hỗ trợ cũng quyết tâm chăm sóc, nuôi trồng để thay đổi kinh tế gia đình, từ đó nhân rộng mô hình ra các hộ thanh niên khác.

Chị Bùi Thị Hạnh, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cũng là một thanh niên được nhận sự hỗ trợ này cho hay: Không có cái cây này thì gia đình tôi nghề chủ yếu là làm núi, công việc không ổn định, làm ngày nào hưởng ngày đó nên chừ có cây gia đình tôi tập trung chăm sóc mong sao cây nhanh lớn, đơm hoa kết trái để có thu nhập trong gia đình.

Anh Bùi Văn Dũng, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng  hân hoan cho biết: Bản thân tôi đã trồng được rồi và hoàn thành rồi, để nhân giống thêm cho các thanh niên khác học hỏi và noi gương tôi. Rất mong có nhiều nguồn hỗ trợ hơn nữa để giúp hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên khó khăn những giống cây khác để có nguồn kinh tế phát triển.

Mô hình trao cây con giống cho thanh niên của thành đoàn Đà Nẵng

Nhiều năm qua, thành đoàn Đà Nẵng đã thực hiện linh hoạt mô hình trao sinh kế, giúp đoàn viên, thanh niên khó khăn trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế ổn định. Trong đó, các mô hình vườn cây thanh niên, trao con giống cho thanh niên dân tộc thiểu số đã bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi, cách làm kinh tế mới, phù hợp với thanh niên địa phương.

Anh Nguyễn Bá Duân, Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng cho biết: Thông qua các hoạt động trao sinh kế thì cũng muốn phát huy tính xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ thành phố hướng về đồng bào, thanh niên dân tộc Cơ Tu và cũng qua đây cũng tạo động lực để các thanh niên có điều kiện để phát triển kinh tế.

‎ Đến bản Nậm Nàn, xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn , tỉnh Lai Châu hỏi đến anh Mùa A Ký ai cũng biết đến và đều trân trọng dành những tình cảm đặc biệt cho chàng trai có dáng người nhỏ nhắn này. Mùa A Ký, Sinh năm 1991 tại xã Tủa sín Chải sau khi lập gia đình, cũng như bao vợ chồng trẻ khác trong bản mặc dù đã cố gắng nỗ lực lao động sản xuất song do thiếu đất canh tác, thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất nên đến nay cuộc sống của vợ chồng anh vẫn còn nhiều thiếu thốn, vất vả. Khó khăn là vậy, song ngay sau khi được chính quyền xã, bản tuyên truyền, vận động hiến đất xây dựng trường học phục vụ con em trong bản, tháng 12/2020 vợ chồng anh đã tình nguyện hiến hơn 500 m2 đất.

Anh Mùa A Ký chia sẻ:“Nhà mình thì đất cũng không có nhiều, nhưng thấy các cháu còn nhỏ mà phải đi học xa quá, bố mẹ đi lại vất vả, đường đi khó khăn. Khi cán bộ xã và trưởng bản đề nghị 2 vợ chồng hiến đất xây trường thì gia đình tôi đã đồng ý hiến đất để xây trường”.

Gia đình thanh niên dân tộc được chính quyền xã đến động viên, chia sẻ

Không chỉ hiến đất, trong quá trình xây dựng trường học do ngân sách của nhà tài trợ hạn hẹp nên anh Ký đã cùng bà con trong bản cùng nhau hỗ trợ ngày công vận chuyển nguyên vật liệu, san gạt nền… Nhờ đó chỉ sau 2 tháng thi công, 1 dãy nhà cấp 4 khang trang, sạch đẹp gồm 2 phòng học, 1 phòng công vụ và phòng ăn bán trú đã được hoàn thành. Có được điểm trường này sau khi hoàn thiện bàn giao sẽ giúp cho hơn 30 học sinh lớp 1 và lớp 2 ở Bản Nậm Nàn không còn phải vượt nhiều km đường đất đèo dốc để đến trường như trước đây. Việc làm này không chỉ góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương mà còn giúp các em học sinh trong bản có điều kiện thuận lợi theo đuổi con chữ, thắp sáng tương lai xây dựng quê hương.

Thầy giáo Trần Đức Thịnh – Trường Tiểu học xã Nậm Manh, Nậm Nhùn, Lai Châu: Trước thì do điều kiện ở bản do có nhiều điểm cách xa nhau cho nên là các cháu học sinh đi về trung tâm đi học rất là vất vả…, thứ nhất là cho nhà trường, thứ hai là cho các cô giáo dạy học cũng như học sinh đi học thuận tiện, thuận tiện vận động cũng như chăm sóc các em rất là thuận tiện. 

Bản Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang có hơn 70 hộ dân là đồng bào dân tộc H’Mông, sống cheo leo trên vùng núi cao, sâu trong những cánh rừng. Để chung tay, giúp đời sống sinh hoạt của bà con trong bản được thuận tiện hơn, Thanh niên huyện Yên Sơn đã góp sức mở rộng những con đường trong bản, bê tông hóa đến tận mỗi nhà, để trẻ con và người già đi lại được dễ dàng và an toàn hơn.

Anh Trần Đức Luân, Bí thư Đoàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang: Chúng tôi cũng xác định đây là nhiệm vụ rất là khó khăn, nặng nề, tuy nhiên đây cũng là một cái thử thách một nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó mà Đoàn thanh niên đòi hỏi phải quyết tâm nỗ lực để hoàn thành. Trong quá trình triển khai làm đường bê tông ở thôn Ngòi Nghìn các bạn Đoàn viên thanh niên tham gia với một trách nhiệm rất là lớn rất là hào hứng khi tham gia xây dựng công trình, thường xuyên là túc trực ở đây  sẽ làm công trình liên tục không nghỉ cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất qua đó.  

Để thuận lợi cho việc làm đường, nhiều thanh niên đã ở lại trong bản nhiều ngày nay. Ngoài việc giúp đồng bào có con đường đi lại thuận tiện, các đoàn viên thanh niên cũng tranh thủ thăm hỏi tình hình sản xuất, giới thiệu thêm những mô hình phát triển kinh tế vườn rừng đến bà con.

 Anh Hoàng A Phà, Đoàn Thanh niên xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho hay: Huyện đoàn có tổ chức tham gia tình nguyện làm đường bê tông ở thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện. Bản thân là dân tộc Mông tôi cũng xung phong đi thực hiện công việc. Tôi có lợi thế là thuận lợi về việc giao tiếp để thực hiện, rồi là việc phiên dịch cho anh em làm việc cho dễ dàng hơn. Ngoài tuyên truyền ủng hộ làm đường bê tông, còn tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, đặc biệt là vấn đề nhạy cảm như tôn giáo rồi là chính sách cuộc sống.

Còn đây là mảnh đất Yên Bái núi non trùng điệp, vượt qua hàng trăm cây số, đây là lần đầu tiên những thanh niên này rời khỏi bản làng để đến một môi trường học tập hoàn toàn mới với nhiều cơ hội rộng mở. 

Em Giàng A Páo, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái chia sẻ về ngôi trường của mình: đi học ở đây sướng hơn so với anh chị ở quê, em được hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền ăn uống….

Em Dương Thị Đào đến từ huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn: em học CNTT được nhà trường hỗ trợ máy tính, tiền ăn học, em muốn đi học xong về phụ giúp bố mẹ.

Những năm qua, việc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ miễn học phí đến hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, đang giúp nhiều học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, miền núi tại nhiều địa phương tự tin theo học các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, giúp các em có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn thay vì bám nương, bám bản như trước.

Ông Nguyễn Chí Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: các em vùng đồng bào dân tộc thiểu số học tại đây thì được hỗ trợ rất nhiều từ học phí, ăn ở, đi lại…đây cũng là cách giúp các em cơ hội được học tập tốt hơn….

Mới đây, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UNESCO tổ chức Hội thảo thúc đẩy hợp tác, kết nối hệ sinh thái hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang. Đây là phần việc thuộc dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam” . Dự án thí điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang thông qua việc xúc tiến cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các Hợp tác xã trên địa bàn, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tạo thu nhập, sinh kế cho hơn 120 phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số triển khai tại 5 huyện là Bắc Mê, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Quang Bình và Vị Xuyên.

Theo bà Bế Thị Hồng Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc “Khi bắt đầu triển khai chúng tôi có ý tưởng khơi gợi cho chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang có sự thay đổi về phương thức sản xuất, cũng như có ý thức vươn lên vượt qua hoàn cảnh”.

Phấn đấu mỗi hộ nghèo có ít nhất 1 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, ổn định, có thu nhập tốt, hướng tới việc làm bền vững giúp hộ đó thoát nghèo. Đây được coi là một trong những mục tiêu trọng tâm của chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, thời gian tới các địa phương sẽ phải chủ động rà soát, hỗ trợ cho người trong độ tuổi lao động học nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có thể chuyển đổi việc làm.

Rõ ràng bên cạnh các vấn đề hạ tầng, y tế, hay nước sạch…. thì việc giáo dục, chú trọng đào tạo nghề, gắn giải quyết việc làm  sẽ giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững trong giai đoạn tới./.

Vũ Thơm