Sức thuyết phục từ một mô hình
Dự án Làng thanh niên lập nghiệp do Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì đã khép lại. Những năm qua, mô hình Làng Thanh niên lập nghiệp đã đóng góp ngày càng hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Trên cơ sở những làng thanh niên lập nghiệp được giao về các tỉnh đoàn, chính quyền các cấp tại địa phương cần có những cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp để không lãng phí những nền móng được xây dựng từ mô hình này.
Khởi sắc từ mô hình làng thanh niên
Sau hơn 15 triển khai, từ vùng đồi núi khô cằn, với sức trẻ của những thanh niên đầy nhiệt huyết, “Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng” (nay là thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đang đổi thay từng ngày.
Dự án “Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng” (xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân) triển khai thực hiện từ năm 2007, với trên diện tích 600 ha, được đầu tư với số vốn hơn 32 tỷ đồng do Tỉnh đoàn Thanh Hóa phụ trách và quản lý. Dự án được được kỳ vọng mở ra con đường thoát nghèo cho nhiều thế hệ thanh niên xứ Thanh khai hoang, lập nghiệp trên vùng đất mới.
Đến cuối năm 2012, Dự án đã hoàn thành việc tuyển các hộ lên lập nghiệp với 141 hộ (34 hộ tái định cư và tuyển mới 107 hộ thanh niên), mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở, được giao 3 ha đất sản xuất. Năm 2017, trên cơ sở đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và UBND huyện Như Xuân, Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng được công nhận là thôn Thanh Niên thuộc xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân. Công dân Làng thanh niên lập nghiệp được hưởng đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ và thụ hưởng các chính sách như những công dân khác tại địa phương. Trải qua nhiều gian khó, cuộc sống nơi đây nay có nhiều đổi khác, những ngôi nhà khang trang mọc lên, người dân biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, đời sống không ngừng nâng cao.
Gia đình anh Bắc (Trưởng thôn Thanh Niên) còn tập trung chăn nuôi gia cầm thương phẩm và trồng cây ăn quả
Không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương, những mô hình làng thanh niên còn góp phần vào việc thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương. Tại tỉnh Gia Lai, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2019, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Gia Lai đã triển khai xây dựng mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”.
Tại làng La Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku, kể từ khi ra mắt mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”, tình hình an ninh trật tự trong làng ổn định hơn, không xảy ra tệ nạn xã hội. Làng đã thành lập đội múa xoang với 10 thành viên, thường xuyên giao lưu với các đơn vị bạn. Trong phát triển kinh tế, đoàn viên, thanh niên tích cực học hỏi các mô hình hiệu quả.
Lễ ra mắt mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” ở huyện Chư Păh.
Làng thanh niên lập nghiệp là một dự án có mục tiêu định canh, định cư cho thanh niên dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, địa bàn khó khăn gắn với việc phát triển sản xuất, giữ vững an ninh biên giới do Trung ương Đoàn báo cáo Chính phủ triển khai thực hiện từ năm 2001 đến năm 2020. Trong giai đoạn này đã có 32 dự án Làng thanh niên lập nghiệp được triển khai tại 19 tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Hơn 20 năm qua, Dự án Làng thanh niên lập nghiệp đã khẳng định được hiệu quả, đặc biệt tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình qua việc ổn định dân cư, tạo môi trường sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào sự ổn định chính trị – xã hội của các xã vùng biên, vùng dân tộc thiểu số.
Nhiều sản phẩm của các Làng thanh niên lập nghiệp như: tinh bột Nghệ, chè Tuyết Shan, bưởi Phúc Trạch…đã được khẳng định trên thị trường. Thu nhập của các hộ dân tại một số Làng TNLN như: Phúc Trạch – Hà Tĩnh; Sông Rộ – Nghệ An; Tây Vĩnh Linh – Quảng Trị; Na Ngoi, Nghệ An…được cải thiện
Tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn và phát triển được mô hình làng thanh niên lập nghiệp trong giai đoạn tới không để lãng phí nền móng đã xây dựng, theo các chuyên gia cho rằng, các Làng thanh niên lập nghiệp cần có sự kết nối của các doanh nghiệp, đồng thời hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp tại khu vực này. Trong đó cần phải chọn đúng các sản phẩm chủ lực của địa phương để tạo ra lợi thế trong việc phát triển kinh tế. Cũng như sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, kết nối đầu ra cho các sản phẩm do chính thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp làm ra./.
Hà Anh Đào