Tranh vẽ phòng chống hôn nhân cận huyết và vấn nạn tảo hôn
Có rất nhiều cách thức để nâng cao nhận thức và giáo dục của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trong vấn đề phòng và chống việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nhiều địa phương triển khai trong suốt thời gian qua. Từ tuyên truyền, vận động từ nhà, lồng ghép trong những tiết học cho các học sinh, đến các phương thức online thông qua nền tảng mạng xã hội như Facebook để nâng cao nhận thức, từ đó quyết định ý thức và hành động, giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của người dân.
Một trong số đó là phương thức vẽ tranh cổ động, tuyên truyền xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được các học sinh tại Hà Giang hưởng ứng. Các bức tranh mang nét vẽ sống động mang đậm ý nghĩa nhân văn và lan truyền thông điệp cùng nhau chung tay ngăn cản việc tảo hôn và kết hôn trong cùng huyết thống, họ hàng.
Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Nguồn: kinhtemoitruong.vn
Hà Giang là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống khá cao, nằm ở vùng núi cao phía Bắc, là điểm cực Bắc của tổ quốc, nơi đây địa hình hiểm trở, công nghệ thông tin chưa quá phát triển, mức sống người dân vẫn còn ở mức thấp. Nơi đây có tỉ lệ dân tộc thiểu số chiếm 87,67%; trong đó, dân tộc Mông chiếm 34,24%, Dao 14,88%, Nùng 9,53%… Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, địa hình chia cắt và thường hay xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt.
Tảo hôn – kết hôn cận huyết: chặn đường tương lai. Nguồn: kinhtemoitruong.vn
Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn là hơn 0,1%, nghĩa là cứ 1.000 người kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng thì có gần 11 người kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng có quan hệ huyết thống trong vòng 3 thế hệ với vợ/chồng của mình. Tỷ lệ này của Hà Giang cao gấp gần 2 lần so với của cả nước và cao gấp 2,1 lần so với vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhất là các huyện thuộc cao nguyên đá như: Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ…
Cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. nằm trong công đoạn thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” của tỉnh Hà Giang đã giúp nâng cao ý thức và góp phần lan truyền thông điệp ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của vùng đất này.
Không chỉ thế tại các nơi sinh hoạt cộng đồng, tập trung sự chú ý của người dân tộc thiểu số tại Hà Giang cũng thường xuyên tổ chức cuộc thi, lễ hội hay câu lạc bộ để người dân hiểu hơn về những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống,
Các thế hệ học sinh tại Hà Giang cũng đã và đang được giáo dục giới tính từ sớm, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho học sinh nữ và các giáo viên, bác sĩ cũng hướng dẫn những cách phòng chống và bảo vệ sức khỏe cho đối tượng là nạn nhân của việc tảo hôn.
Hiện tại tỉnh Hà Giang đang phấn đấu đến hết năm 2025 có 75% trở lên các gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các phong tục, tập quán lạc hậu chính là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hà Giang cũng đang hướng đến mục tiêu năm 2030 cơ bản xóa bỏ được các hủ tục, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nếp sống văn minh.
Tấn Phước