Tuyên truyền đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên không gian mạng – tại sao không?

Theo thống kê vào năm 2022 có 91% trẻ em dân tộc thiểu số đang được tiếp cận với Internet. Chính vì vậy, tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên không gian mạng cần được đẩy mạnh để giảm thiểu tình trạng này trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Rõ ràng Internet đã tác động mạnh mẽ đến cuộc sống thường ngày của rất nhiều người. Chỉ cần có một thiết bị điện thoại thông minh, máy tính có kết nối với Internet thì dường như một không gian mới được mở ra, tiếp cận với nhiều tri thức, cập nhật thông tin trên toàn cầu chỉ với một cái click chuột hay một thao tác chạm trên màn hình. Từ đó bất kể ai cũng có thể tiếp cận và học hỏi thêm nhiều kiến thức mới lạ, người dân tộc thiểu số cũng thế, họ cũng đã bắt cầu cập nhật thông tin thông qua Internet.

Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Nam Trà My tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sức khỏe sinh sản vị thành niên” ngày 6/10 vừa qua. Ảnh: Tiêu Dao. Nguồn: báo Biên Phòng

Vậy chúng ta nên tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức giáo dục của người dân tộc thiểu số thông qua không gian mạng. Vừa nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm được rất nhiều ngân sách cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương ở vùng núi cao. Không chỉ là những bài truyền thông hay hình ảnh tuyên truyền đơn giản, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ hay sáng tạo những đoạn clip thú vị để tạo tính viral và tận dụng sức mạnh của truyền thông giúp nó tiếp cận được nhiều đối tượng khác nhau. Từ đó sẽ góp phần giảm thiếu tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của người dân tộc thiểu số sống tại khu vực vùng núi, trung du.

Nói không với tảo hôn và kết hôn cận huyết. Nguồn: kinhtemoitruong.vn

Truyền thông trên môi trường số là giải pháp tối ưu hiện nay nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Song, tuyên truyền như thế nào mới là bài toán cần được sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là các cấp chính quyền, sự nhiệt tình của cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở. Hơn nữa, nội dung truyền thông ở từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc cần được xây dựng dựa trên những nghiên cứu về văn hóa tộc người, thiết chế làng bản, tâm lý… để tạo hiệu quả cao nhất.

 

Tấn Phước