Ảnh hưởng tiêu cực của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với sự phát triển của đất nước

Mấy năm trở lại đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm đi đáng kể so với những năm trước nhờ có sự tham gia quyết liệt của chính quyền địa phương và có sự chỉ đạo của Nhà nước cùng với nhận thức tiến bộ của người dân. Tuy nhiên, ở đâu đó tại những nơi vùng sâu vùng xa, tình trạng đáng buồn này vẫn còn xảy ra một cách hiển nhiên và gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ đi ngược với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật, mà nguy hiểm hơn còn để lại cho gia đình, xã hội và thế hệ tương lai những hệ lụy khôn lường, là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Theo kết quả khảo sát năm 2019, tình trạng tảo hôn ở người dân tộc thiểu số là 21,9%. Tất cả 53 dân tộc thiểu số đều có tình trạng tảo hôn, trong đó, 5 dân tộc tỉ lệ tảo hôn cao nhất gồm: dân tộc Mông (51,5%), Cờ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%), Mạ (39,2%).

Theo như khoa học đã nghiên cứu, kết hôn cận huyết thống không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, mà còn kéo lùi nền kinh tế của cả nước. Trẻ em sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tỉ lệ mắc các bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe và tử vong sơ sinh cao hơn trẻ em bình thường khác.

“Thống kê cho thấy, trong số các trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống, có 25% bị bệnh, 50% mang gen bệnh về tan máu bẩm sinh di truyền và hiện bệnh này chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh. Việt Nam hiện có hơn 5 triệu người mang gen bệnh về tan máu bẩm sinh được xếp vào khu vực có nguy cơ cao. Và tỉ lệ mang gen bệnh cao chủ yếu tập trung ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Đáng lo ngại là căn bệnh này di truyền cho các thế hệ sau, làm suy thoái giống nòi và trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội” – Theo Tiến sĩ Hoàng Mạnh Tưởng, Phó trưởng khoa dân tộc và tôn giáo Học viện Chính trị khu vực 2 thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, phụ nữ kết hôn cận huyết thống khi sinh con ra rất dễ bị tử vong, bệnh tật và không có cơ hội để lao động dẫn tới đói nghèo, cuộc sống khó khăn và nguy cơ tan vỡ trong hôn nhân cao. Nhiều trẻ em gái không có cơ hội làm mẹ vì cơ thể yếu ớt, chưa phát triển toàn diện, hạn chế cơ hội học tập.

Đối với tảo hôn, trẻ em gái khi kết hôn sớm, sẽ làm cho sức khỏe của họ yếu đi, đặc biệt có thể gặp nhiều biến chứng khi mang thai. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Thủy, Phó khoa Sản phụ khoa của Bệnh viện Hồng Hưng thông tin: “Về tinh thần và thể chất, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây những tác động rất tiêu cực tới phụ nữ. Khi tảo hôn, trẻ em gái sẽ bị sốc tâm lý, có thể bị trầm cảm, rối loạn tâm thần do bất đồng về quan điểm sống, thậm chí dẫn tới bạo lực gia đình. Về thể chất, cơ thể của các em gái tảo hôn chưa phát triển hoàn thiện, toàn diện, đặc biệt là cấu trúc cơ quan sinh sản nên dễ gặp biến chứng như sảy thai, sinh non, thai lưu, mang thai có dị tật bẩm sinh. Khi mang thai như vậy sẽ có nhiều nguy cơ, rủi ro sức khỏe cho bà mẹ như tử vong, khi sinh có thể xảy ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Bác sĩ Thủy cho biết thêm, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của bà mẹ trẻ và những em bé sinh ra từ các cặp vợ chồng đó có chất lượng sống rất thấp. “Ảnh hưởng đầu tiên như tôi đã nói là về tâm lý, rồi sau đó là về thể chất. Tinh thần các bạn ấy chưa thoải mái, cơ thể chưa phát triển toàn diện, nên cơ thể nhiều khi rất yếu, không có cơ hội học tập, làm việc, mất đi rất nhiều quyền lợi của phụ nữ” – Bác sĩ Thủy nói.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, trong đó có công tác xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La chia sẻ: “Thực tế cho thấy, vấn nạn tảo hôn tạo ra những rào cản rất lớn đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái. Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều dẫn tới việc kết thúc con đường học hành rất sớm, đa số dừng lại ở lớp 9. Rất ít trường hợp vẫn tiếp tục được đến trường sau khi lấy chồng. Điều đó có nghĩa là học vấn của phụ nữ tảo hôn rất thấp và không có cơ hội để phát triển sau này”.

Một vấn đề khác đã được thực tế chứng minh, tảo hôn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng đói nghèo, kìm hãm sự phát triển của phụ nữ và xã hội nói chung. Các tỉnh có tỷ lệ nghèo đói cao, đồng thời, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng gia tăng. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Hệ lụy của hôn nhân cận huyết

Xét ở khía cạnh thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tạo ra rào cản rất lớn. Đối với giáo dục, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã cam kết thực hiện với Liên Hợp quốc: Giảm tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ, giảm tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đấu tranh chống các bệnh dịch.

Bàn về giải pháp giảm thiểu tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn, ông Thào Xuân Nếnh cho rằng, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất vẫn là phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đánh giá công tác tuyên truyền, vận động có vai trò quan trọng trong giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, bác sĩ Thủy cho hay: “Bản thân tôi đã từng đi tuyên truyền về giáo dục sức khỏe sinh sản cho người dân rất nhiều lần. Tôi nhận thấy, cần phải nâng cao kiến thức của người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, chúng ta cần đổi mới cách tuyên truyền, tạo cho người dân có điều kiện sống tốt hơn với mục tiêu, mỗi người dân phải là một tuyên truyền viên chứ không nhất thiết phải là cán bộ y tế. Người dân phải nắm được kiến thức, thông tin về hệ lụy của tảo hôn qua các kênh thông tin khác nhau, từ đó, chính người dân sẽ tuyên truyền cho người dân, họ hàng, người quen, hàng xóm, láng giềng”.

P.V