Bảo tồn nhạc ngũ âm trong đời sống tinh thần của người Khmer
Nói đến âm nhạc Khmer là nói đến dàn nhạc ngũ âm nổi tiếng. Bởi đây gần như là tinh hoa của một nền âm nhạc có truyền thống lâu đời, gắn bó với người Khmer qua các lễ hội lớn ở các đền chùa, trong phum sóc, khắp các tỉnh thành Nam Bộ.
Ngân mãi giai điệu ngũ âm
Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer (Pinn Peat) là một dàn nhạc, được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ, được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: Bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Mỗi loại nhạc cụ được định âm một cách chính xác, bảo đảm yếu tố hòa âm cho cả dàn nhạc để khi hòa tấu tạo ra âm thanh độc đáo, từ rất trầm đến cao vút, từ ngọt ngào, du dương đến sâu lắng, hùng hồn đi vào lòng người.
Nhạc ngũ âm chủ yếu là nhạc không lời, có thể kết hợp với những điệu múa uyển chuyển đặc trưng của người phụ nữ Khmer tạo nên không gian văn hóa riêng biệt của đồng bào Khmer. Đội nhạc Ngũ âm thường có từ 5 đến 6 nhạc công.
Nhạc ngũ âm – giá trị tinh thần trong đời sống của người Khmer
Đội nhạc ngũ âm chùa Bốn mặt, huyện Châu Thành tỉnh Sóc Trăng bao gồm những nhạc công rất trẻ tuổi. Theo anh Kim Khum – Đội trưởng Nhạc ngũ âm chùa Bốn mặt, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng: “Muốn chơi được nhạc cụ này phải đầu tư luyện tập và phải có niềm yêu thích âm nhạc truyền thống thì mới học được. Cái khó của nhạc ngũ âm là người học phải bỏ công sức ra tập luyện ít nhất từ 3 tháng đến 1 năm mới có thể chơi được các điệu cơ bản. Trong khi hiện nay, đa số thanh – thiếu niên người địa phương bận nhiều việc, ít người chú ý đến học nhạc cụ”
Trong những ngày tết cổ truyền và những ngày lễ quan trọng của đồng bào Khmer, nhạc ngũ âm thường được biểu diễn để hỗ trợ cho các điệu múa. Với những âm thanh trầm bổng, nhạc ngũ âm đã làm cho những điệu múa của đồng bào Khmer thêm phần uyển chuyển. Đặc biệt, trong các bài múa cổ và các bài hát, các vở diễn trong sân khấu dù kê, rô băm…, nhạc ngũ âm càng góp phần tạo nên nét riêng, sinh động của âm nhạc truyền thống khiến người xem say mê, thích thú. Sự kết hợp giữa các động tác múa, màu sắc trang phục, ánh sáng cùng âm thanh bổng trầm của nhạc cụ ngũ âm đã tạo nên một điểm nhấn đặc sắc rất riêng của nhạc ngũ âm.
Bảo tồn nhạc ngũ âm bằng nhiều hình thức
Hiện nay, nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer không còn giới hạn trong nhà chùa và trong các sinh hoạt nghi lễ tôn giáo và tang ma nữa.
Thay vào đó, nhạc Ngũ âm đã được tổ chức lưu giữ, trình tấu và truyền dạy ở nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị cả trong và ngoài cộng đồng như tại các phum, sóc, Đoàn Nghệ thuật Khmer, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật hay tại hầu hết các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Dân tộc nội trú trên các tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer.
Đặc biệt như tại tỉnh Sóc Trăng, các trường Dân tộc nội trú đều có trang bị dàn nhạc và tổ chức các tiết học về nhạc Ngũ âm dành cho các đối tượng học sinh người Khmer. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng tổ chức các cuộc thi trình diễn nhạc cụ, âm nhạc Ngũ âm ở nhiều cấp độ, lứa tuổi và hình thức khác nhau để tìm kiếm tài năng, tuyển chọn và khuyến khích học và chơi nhạc Ngũ âm.
Các thành viên đội nhạc ngũ âm chùa Prés Buône Prés Phék cùng nhau tập luyện
Tại các ngôi chùa ở các phum sóc của đồng bào Khmer Nam bộ hiện nay, dàn nhạc ngũ âm thu hút rất đông đảo thanh thiếu niên tham gia luyện tập. Thế hệ sau nối tiếp hệ trước cùng nhau góp phần vào việc gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa đặc sắc của văn hóa truyền thống. Chính vì thế, hiện nay xuất hiện rất nhiều dàn nhạc ngũ âm, của nhiều đội văn nghệ ở nhiều ngôi chùa của các phum sóc, vùng đồng bào Khmer sinh sống tham gia trình diễn tại các cuộc liên hoan nghệ thuật truyền thống, các ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch ở khu vực và toàn quốc gây được tiếng vang, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Dàn nhạc ngũ âm thu hút đông đảo thanh thiếu niên ở các phum sóc tham gia tập luyện.
Trải qua những thăng trầm, ngày nay, từ những lễ hội quan trọng trong Phật giáo Nam tông cho đến các lễ hội quan trọng gắn liền với đời sống sinh hoạt xã hội, dàn nhạc ngũ âm vẫn là “linh hồn” thể hiện những khát khao trong đời sống tinh thần của người Khmer. Đối với đồng bào Khmer, nhạc Ngũ âm – di sản văn hóa truyền thống quý giá vẫn luôn rộn ràng, trong những dịp đến chùa lễ Phật, trong các lễ hội phum sóc và trong đời sống hằng ngày của đồng bào Khmer./.
Vũ Thơm