Những người truyền cảm hứng cho học sinh vùng cao

Nhiệt tình, tâm huyết trong công tác chuyên môn, vượt khó khăn để gắn bó với bà con dân bản, những năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên là người dân tộc thiểu số đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp gieo chữ, trồng người, mang tri thức đến với những em nhỏ vùng cao.

Vượt khó truyền đạt tri thức

Với tình yêu nghề và tâm huyết với công việc, thầy giáo Lộc Xuân Quyền, dân tộc Tày, hiện đang là giáo viên, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Đồng Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp, sáng kiến tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra môi trường học tập suốt đời cho các em, kích thích sự sáng tạo, phát triển, tư duy của các em đặc biệt là học sinh tiểu học.

Với trách nhiệm của một thầy giáo, một giáo viên Tổng phụ trách Đội trường, thầy Quyền nhận thấy các hoạt động trải nghiệm sáng tạo thực tế sẽ giúp các em được gần gũi với thầy cô, bạn bè, phát huy hết khả năng của từng em và huy động tất cả các em cùng tham gia hoạt động giáo dục trải nghiệm là vô cùng cần thiết. Thầy Quyền lên kế hoạch, tham mưu với Chi bộ, BGH nhà trường lựa chọn các nội dung tiến hành các hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú, phù hợp và thiết thực đối với tình hình của liên đội. Phối hợp với hội cha mẹ học sinh và các đoàn thể trong và ngoài nhà trường để tổ chức thực hiện. Liên đội nhà trường đã tổ chức thành công một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo tiêu biểu như  trải nghiệm  “Thiếu nhi với An toàn giao thông”; “Chúng em là chiến sỹ”; “trồng Nấm sò sạch”. 

Thông qua các hoạt động trải nghiệm đó đã trang bị cho các em học sinh  người dân tộc thiểu số ban đầu vốn rụt rè nhút nhát giờ đã trở nên mạnh dạn tự tin, tự chủ trong các hoạt động học tập cũng như vui chơi, các em đã  nắm được rất nhiều những kiến thức, kỹ năng thiết thực và bổ ích trong cuộc sống, từ đó giúp các em mạnh dạn tự tin hơn trong các hoạt động học tập và rèn luyện khác.

Chỉ vài tháng trước, những em học sinh người Mông, người Dao lớp 1, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tả Củ Tỷ 2, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vẫn còn bỡ ngỡ, chưa quen dùng tiếng phổ thông, thì thời điểm này, các em đã đọc thông, viết thạo. Không chỉ thế, có em còn tham gia thi Trạng Nguyên tiếng Việt cấp huyện.

Tạo được hứng thú học tập như thế cho học sinh là niềm vui với cô giáo người Mông Thào Thị Dung. Sinh ra, lớn lên ở bản nghèo của Tả Củ Tỷ, và giờ lại được công tác, cống hiến ngay tại quê hương của mình, cô giáo Thào Thị Dung đã cố gắng, nỗ lực từng ngày vì những em nhỏ nơi đây. Lợi thế về vốn ngôn ngữ, văn hóa bản địa được cô Dung khai thác hiệu quả vào chuyên môn hằng ngày, nhất là trong dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. “Những điều mà học sinh chưa biết thì tôi dùng song ngữ, vừa giảng bằng tiếng Mông, vừa nói bằng tiếng Kinh. Tôi cố gắng tận tình chỉ bảo các em nên qua thời gian các em học sinh đã tiến bộ lên từng ngày”, cô giáo Thào Thị Dung, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tả Củ Tỷ 2, huyện Bắc Hà chia sẻ.

Nói cùng tiếng nói, hiểu được phong tục tập quán của học sinh… nên các giáo viên tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS) được xem là nhân tố quan trọng, gieo những hạt giống tri thức đầu tiên để các học sinh DTTS hòa nhập được với môi trường giáo dục; tích lũy tri thức để xây dựng bản làng. Có thể khẳng định, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn để có thể cắm bản gieo chữ cho học trò vùng cao, song các giáo viên DTTS vẫn luôn nỗ lực, vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ.  

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số

Giáo viên người dân tộc thiểu số quan trọng trong phát triển giáo dục dân tộc. Tuy nhiên trước đổi mới giáo dục việc nâng chất đội ngũ này cần được quan tâm.

Những năm gần đây, việc đào tạo giáo viên đã có nhiều đổi mới, chất lượng đào tạo được nâng cao, ngày càng có nhiều giáo viên tốt nghiệp các trường sư phạm tham gia dạy học ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Trong đó có nhiều giáo viên tiểu học là người DTTS. Tỷ lệ học sinh đến lớp, chất lượng giáo dục tiểu học nhờ đó dần dần tăng lên…

Tuy nhiên, trên thực tế, mới có một chương trình đào tạo chung cho giáo viên tiểu học mà chưa có một chương trình đào tạo đặc thù dành cho giáo viên tiểu học người DTTS như: Dạy học trong môi trường đa văn hóa; dạy kết hợp tiếng phổ thông và tiếng dân tộc; dạy học đặc thù cho học sinh DTTS vừa đáp ứng theo chuẩn nghề nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, bồi dưỡng kiến thức ở một số môn học tự chọn (tiếng Anh, khoa học công nghệ, tiếng dân tộc…), bồi dưỡng kiến thức tâm lý sư phạm… Đây chính là những hạn chế dẫn đến chất lượng giáo viên tiểu học người DTTS chưa đạt yêu cầu.

Do đó, tron giai đoạn tới, các trường sư phạm cần nghiên cứu đưa vào nội dung, chương trình đào tạo đặc thù. Nội dung đào tạo đối với giáo viên dạy vùng DTTS trong các trường sư phạm cần phản ánh những vấn đề trong mối liên hệ với thực tiễn giáo dục ở từng vùng, tiểu vùng DTTS. Cần đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học công tác ở vùng DTTS đủ kiến thức, năng lực thực hiện giảng dạy được nội dung các loại sách giáo khoa cho học sinh DTTS…Giải pháp bồi dưỡng theo phương pháp từ xa cũng đối với đội ngũ giáo viên DTTS cũng có tác dụng nhất định. Đây không chỉ là phương thức bồi dưỡng ít tốn kém mà còn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh tự học của giáo viên vùng dân tộc. Tất nhiên, để triển khai các trường và giáo viên cần tính đến những vùng và tiểu vùng còn khó khăn, hệ thống thông tin và điện lưới chưa ổn định./.

Đức Nguyễn