Thay đổi nếp nghĩ

Xã Trung Lý có khoảng 1.300 hộ dân, với 6.397 nhân khẩu, sinh sống ở 15 bản. Trong đó, có 11 bản đồng bào Mông, chiếm khoảng 72% tổng dân số toàn xã. Ngược dòng thời gian khoảng 11 năm về trước, xã Trung Lý có đến 12 bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ. Việc có nhiều bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nhất là công tác tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào Mông nơi đây. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều bản đồng bào Mông trên địa bàn xã luẩn quẩn trong đói nghèo và những hủ tục.

Tình trạng tảo hôn được cho là còn rất phổ biến ở vùng núi VN. Ảnh: Hoàng Đình Nam

Nhưng, đó là chuyện thời quá vãng! Bởi những đảng viên gương mẫu, tiên phong đã vượt qua “rào cản” của hủ tục để xây dựng nếp sống văn hóa mới. Theo chân anh Vàng A Sùng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Khằm 1 đến nhà văn hóa bản. Mặc dù trời mưa rất to và có phần mệt nhọc do vừa lên nương về, nhưng già trẻ, trai gái trong bản vẫn có mặt đông đủ ở nhà văn hóa bản để nghe anh Bí thư chi bộ, Trưởng bản “8X” tuyên truyền về hôn nhân và gia đình, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Vừa đến cửa nhà văn hóa, anh Vàng A Sùng đã tay bắt mặt mừng với bà con như người thân trong gia đình. Để bà con, trai gái trong bản dễ hiểu, anh lấy chính câu chuyện của bản thân kể cho mọi người nghe. Năm 2010, Vàng A Sùng lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Như một cơ duyên, đơn vị anh đóng quân lại chính là Đồn Biên phòng Trung Lý. Được sự giúp đỡ của Trung tá Nguyễn Văn Cảnh, cán bộ Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Trung Lý, anh được cử đi học lớp cảm tình Đảng. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương Vàng A Sùng tích cực tham gia các phong trào, nhất là các hoạt động tình nguyện của đoàn thanh niên xã Trung Lý. Tháng 5-2012, Vàng A Sùng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với sự chịu khó, luôn tận tâm với công việc chung của cộng đồng, tháng 9-2012, anh được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng bản Khằm 1. Niềm vui nhân lên, cuối năm 2012, Vàng A Sùng lập gia đình. Với chất giọng còn lơ lớ tiếng phổ thông, anh nói với bà con dân bản: “Buồn lắm, ở bản mình vẫn còn một số người giữ quan niệm càng sinh nhiều con, càng có nhiều ng­ười đi nương, đi rẫy. Trai gái cứ thấy ưng cái bụng là về ở với nhau, rồi sinh con đẻ cái, đứa nọ nối tiếp đứa kia, lít nha, lít nhít. Nhà Vàng A Sùng đây chỉ sinh 2 con, vợ chồng khuyên nhau nuôi trâu, nuôi bò, trồng rừng, trồng lúa nước để có tiền nuôi con ăn học. Vụ thu mùa vừa rồi, cả lúa nương, lúa nước, nhà Vàng A Sùng thu hoạch được gần 2 tấn, tương đương 50 bao lúa. Có của ăn của để, khi cần có thể bán lấy tiền lo việc trong gia đình”.

Từ những buổi tuyên truyền như cách làm của Bí thư chi bộ, Trưởng bản Khằm 1 Vàng A Sùng, tư tưởng, nhận thức của đồng bào Mông địa phương đã được nâng lên và thay đổi rõ rệt. Bà con trong bản hiểu được hệ lụy không tốt do việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống sẽ để lại cho thế hệ sau, như: sinh con thiếu dinh dưỡng, thấp còi, kém thông minh. “Cuộc chiến” xóa bỏ những hủ tục ở bản Khằm 1 cũng bắt đầu có tín hiệu khả quan. Năm 2020, trong bản không có trường hợp nào kết hôn khi chưa đủ tuổi vị thành niên, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt. Em Giàng Seo Lềnh chia sẻ: “Mình là người lập gia đình sớm, khi hai vợ chồng có con thì không biết chăm sóc, kinh tế không biết lo, tất cả mọi công việc đều do bố mẹ đỡ giúp. Mình mong lớp thanh niên trong bản, trong xã đừng có lấy vợ, lấy chồng sớm như mình…”.

Các đoàn thể chính trị, chi hội phụ nữ tích cực tuyên truyền chống nạn tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn: VOV

Chị Trương Thị Huyền, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết: “Với mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, nhất là các bản đồng bào Mông, Khơ Mú, thực hiện chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa, huyện Mường Lát đã tập trung triển khai sâu rộng Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” trên địa bàn 8 xã, thị trấn. Từ 2018 đến 2020, huyện đã tổ chức 10 cuộc tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 7 bản đồng bào Mông, thuộc các xã Trung Lý, Mường Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu và 2 bản đồng bào Khơ Mú của xã Mường Chanh, thị trấn Mường Lát, với 1.350 người tham gia. Cùng với việc cấp phát 3.200 cuốn sổ tay hỏi đáp về Luật Hôn nhân và Gia đình, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện còn phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức xã làm công tác dân số, bí thư chi bộ, trưởng các bản, khu phố, người có uy tín để làm “hạt nhân” tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến đồng bào DTTS về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhờ vậy, trong năm 2020, trên địa bàn huyện Mường Lát không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống; tình trạng tảo hôn có chiều hướng giảm dần, từ 26 cặp tảo hôn năm 2016, giảm xuống còn 23 cặp tảo hôn năm 2020.

Không riêng ở huyện Mường Lát, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, các huyện miền núi trong tỉnh đã xây dựng 23 mô hình “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trong cộng đồng, trường học. Đồng thời, tổ chức được 3 hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến 240 đại biểu là cán bộ làm công tác truyền thông xã và thôn, bản của 3 huyện vùng cao Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa; phát hành 7.805 áp phích, 33.450 tờ rơi, 11.150 sổ tay tuyên truyền, lắp đặt 232 pano trên địa bàn 223 xã miền núi. Qua đánh giá kết quả 5 năm thực hiện đề án của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các huyện miền núi đã giảm đáng kể. Đến cuối năm 2020, giảm xuống còn 67 cặp tảo hôn và không còn hôn nhân cận huyết thống.

Thanh Mai