Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số chuyển đổi số

Không chấp nhận nghèo khổ, lạc hậu, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) đã mang trong mình ý chí quyết tâm khởi nghiệp, tìm kiếm các cơ hội phát triển từ tiềm năng sẵn có của địa phương. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công nhờ nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ.

Thanh niên DTTS và những khó khăn khi khởi nghiệp

Trong thời gian qua, khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng và xã hội. Trong đó, các tổ chức Đoàn thanh niên đóng vai trò nòng cốt để xây dựng tinh thần khởi nghiệp, tạo tính tiên phong, lan tỏa rộng khắp, đồng thời tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Đối tượng thanh niên là người DTTS cũng không nằm ngoài phong trào đó. Tuy nhiên, thực tế khởi nghiệp của thanh niên DTTS trên cả nước nói chung hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Với đặc thù địa lý, nơi sinh sống của thanh niên DTTS thường là ở các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, trong khi, kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, nên đa phần các dự án khởi nghiệp của thanh niên DTSS tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, khai thác sẵn tiềm năng về đất, nước, nguồn giống, cây trồng… tại địa phương. Ý tưởng khởi nghiệp và hàm lượng ứng dụng công nghệ trong sản phẩm các dự án chưa cao.

Nhiều thanh niên khi bắt đầu khởi nghiệp mang tâm lý sợ rủi ro, thất bại và còn thiếu kiến thức, do mặt bằng chung về học vấn còn hạn chế. Hơn nữa, thanh niên DTTS ít có cơ hội tiếp cận với các thông tin, kiến thức mới mẻ. Việc khó khăn trong tiếp cận thông tin từ internet, từ các lớp học trực tuyến, các tài liệu online… cũng là rào cản đến thành công của họ.

Tận dụng công nghệ để thành công trong khởi nghiệp

Mặc dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng bằng sự sáng tạo và khát khao lập thân, lập nghiệp, những thanh niên DTTS vẫn quyết tâm để khởi nghiệp, làm giàu, trở thành lực lượng nòng cốt, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương.

Lý Tá Giàng (SN 1994), lớn lên tại cao nguyên đá Đồng Văn (huyện Quản Bạ, Hà Giang) là một trong 62 huyện nghèo nhất Việt Nam. Học xong cấp 3, Giàng xin vào Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Nậm Đăm chuyên trồng, chế biến một số loại dược liệu. Nhận thấy HTX Nậm Đăm và một số HTX quanh vùng còn hạn chế ở việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bằng sự quyết tâm, Giàng thành lập Công ty Cổ phần Thảo dược Cao nguyên gồm 5 HTX.

Chàng thanh niên dân tộc Dao – Lý Tà Giàng

 

Công ty Cổ phần Thảo dược Cao nguyên của Giàng chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm của 5 HTX dược liệu với 200 sản phẩm. Trong đó, mặt hàng phổ biến là Cao Atiso, Cao mạnh gân hoạt cốt, trà Gừng, trà Giảo cổ lam, hạt Y dĩ… cung cấp cho thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đã tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Công ty cũng cập nhật kịp thời xu hướng bán hàng online thông qua các website, fanpage, facebook… nên các sản phẩm được phổ biến rộng rãi, người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng đặt hàng. Sau 7 tháng thành lập, Công ty Cổ phần Thảo dược Cao nguyên còn xây dựng Cửa hàng Giới thiệu sản phẩm tại điểm dừng chân Cổng Trời. 

Có thể thấy, với những ứng dụng về công nghệ, cùng tư duy sắc bén, tại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhiều thanh niên DTTS đã thay đổi tư duy và phương thức làm ăn để tạo lập một cuộc sống khá giả, văn minh hơn.

Để phong trào khởi nghiệp của thanh niên DTTS phát triển và thành công hơn, các địa phương cần nâng cao nhận thức của thanh niên về sự cần thiết của khởi nghiệp đối với chính bản thân và cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua các chương trình hoạt động đoàn thanh niên tại địa phương. Đồng thời, tăng cường đào tạo về mô hình khởi nghiệp, kiến thức về khởi nghiệp cho từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là về khoa học, công nghệ.

Tại tỉnh Đắk Lắk, nhằm nâng cao kiến thức, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm dành cho thanh niên dân tộc thiểu số, Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp tập huấn liên quan đến chủ đề này. Theo đó, các học viên được tập huấn kiến thức về chuỗi giá trị, liên kết chuỗi, các kỹ năng về ứng dụng chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kỹ năng tiếp thị và bán sản phẩm. Đồng thời, thực hành nhóm về chuỗi giá trị, lập trang mạng điện tử và bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, ban tổ chức trao đổi và giải đáp thắc mắc về các vấn đề học viên quan tâm…

Anh Y Lê Pas Tơr, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại chương trình tập huấn nâng cao kiến thức, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm

Anh Y Lê Pas Tơr, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hàm lượng khoa học công nghệ cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế. Việc phổ biến kiến thức liên quan đến ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cho thanh niên là một nhiệm vụ hàng đầu. Tổ chức Đoàn, hội cùng tham gia với hệ thống về khởi nghiệp, đặc biệt là việc đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp.

Thanh niên, cán bộ Hội làm việc theo nhóm tại lớp tập huấn

Theo anh Y Lê Pas Tơr, đây là hoạt động thực hiện theo chương trình của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nhằm hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Có thể khẳng định, cùng với tiềm năng là các nông sản bản địa, thì hiện nay thanh niên DTTS khi khởi nghiệp cũng có nhiều thuận lợi khi nhận được sự ưu tiên rất lớn từ các chương trình, dự án hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành, đoàn thể. Bởi thế, thành công sẽ không phải là điều quá khó đối với những người dám quyết tâm tạo ra sự thay đổi.

Lâm Đăng Hải